Nhu cầu lao động tại Nhật Bản đang tăng lên mức cao nhất trong 24 năm qua. Bởi các hoạt động tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần vào năm 2011; hoạt động xây dựng để thúc đẩy kinh tế năm 2023-2024.
Nhờ các sự kiện này mà số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng 40% tính từ năm 2013. Trong đó lao động Trung Quốc có tỷ lệ cao nhất – hơn 1/3 và đứng lần lượt sau đó là lao động đến từ Việt Nam, Philippine, Brazil. Tuy vậy, lao động nước ngoài chỉ chiếm 1,4% lực lượng lao động ở Nhật Bản.
Trước tình hình này, ủy ban đặc biệt về lao động nước ngoài của đảng LDP đã đề nghị mở rộng danh mục công việc dành cho lao động người nước ngoài và tăng gấp đôi số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản – hiện đã xấp xỉ 1 triệu người.
Vì sao Nhật Bản phải cân nhắc tới việc nới rộng cho lao động nước ngoài?
Trong bối cảnh, Nhật Bản đang cần nhân lực để tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần tại Đông Bắc năm 2011 và thảm họa động đất Kumamoto hồi giữa tháng 4/2016; đồng thời chuẩn bị hạ tầng cho đại hội Olympic 2020 được tổ chức tại Tokyo. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia phân tích đều thừa nhận đó là cho dù triển khai các biện pháp an sinh xã hội với các trọng tâm tăng số bệnh viện dưỡng lão, tăng số nhà trẻ và tăng tỷ lệ sinh thì hiệu quả của nó cũng chưa có tác động ngay lập tức, trong khi sự thiếu hụt lao động đang kìm hãm nền kinh tế.
Trong bối cảnh này giải pháp thu hút lao động nước ngoài có vẻ là lựa chọn khả thi nhất với các ưu điểm như nguồn cung dồi dào, nhân công giá rẻ và giải quyết được ngay bài toán nhân lực của Nhật Bản.
Chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với lao động Việt Nam đã, đang và sẽ làm việc tại Nhật Bản
Hiện nay, hầu hết các lao động nước ngoài sang Nhật Bản theo hình thức thực tập sinh kỹ năng bước đầu cung cấp cho Nhật Bản một nguồn nhân lực giá rẻ. Đối tượng của hệ thống thực tập sinh kỹ năng là những thanh niên nước ngoài đến học hỏi kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp mới nhất tại Nhật Bản, sau đó sẽ ứng dụng các kỹ năng đó tại đất nước mình để phát triển kinh tế.
Tính đến tháng 6/2015 có tổng cộng khoảng 180.000 thực tập sinh nước ngoài tham gia chương trình này. Tuy nhiên, chính Bộ tư pháp Nhật Bản cũng đã thừa nhận những quy định khắt khe trong vấn đề tuyển dụng lao động nước ngoài đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tuyển chọn thực tập sinh bắt chẹt các lao động nước ngoài.
Cũng theo Bộ tư pháp, số lượng thực tập sinh kỹ năng nước ngoài tại Nhật Bản bỏ trốn khỏi nơi làm việc đã lên tới 5.803 người trong năm 2015. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay với nguyên nhân chủ yếu là điều kiện làm việc không đảm bảo, mức lương thấp, thực tập sinh bị đối xử tồi tệ. Thực trạng này đã khiến nhiều chuyên gia và chính khách Nhật Bản kêu gọi chính phủ xem xét cải thiện hệ thống tuyển dụng thực tập sinh và nới lỏng các quy định với lao động nước ngoài. Họ cho rằng điều này không chỉ hỗ trợ lao động nước ngoài mà còn giúp Nhật Bản đảm bảo được nguồn cung lao động chất lượng và ổn định.
Chính vì vậy, chính sách nới lỏng quy định cho lao động nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích cho lao động Việt Nam với tư cách là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động mà còn cả Nhật Bản, quốc gia đang có nhu cầu bổ sung nhân lực.
Trong các cuộc trao đổi với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp đều mong muốn được tuyển dụng lao động Việt Nam bởi điều mà họ đánh giá cao đó là lao động có tay nghề cao và cần cù. Các doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Nhật Bản sớm nới lỏng các quy định đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài.